By Sở Du Lịch Quảng Bình
The Museum of Cham Sculpture in Da Nang, Da Nang City Department of Tourism
Toàn cảnh bảo tàng từ trên caoSở Du Lịch Quảng Bình
Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng là một trong những bảo tàng đầu tiên được người Pháp xây dựng tại Việt Nam
Mặt trước của Bảo tàngSở Du Lịch Quảng Bình
Tòa nhà Bảo tàng được xây dựng vào năm 1915, mang dáng dấp kiến trúc Pháp vào những năm đầu thế kỷ XX và một vài đường nét của các đền tháp Chăm ở khu vực miền Trung. Lối kiến trúc này để lại cho du khách ấn tượng đầu tiên về một công trình cổ kính, duyên dáng và nổi bật ngay tại trung tâm thành phố Đà Nẵng.
Phòng trưng bày trong bảo tàngSở Du Lịch Quảng Bình
Đến với Bảo tàng, du khách có cơ hội chiêm ngưỡng hơn 400 hiện vật, trong đó có các Bảo vật Quốc gia cùng nhiều tác phẩm đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc Chăm Pa từ khoảng thế kỷ V đến XV, được thể hiện qua nhiều chất liệu như sa thạch, đất nung, kim loại.
Tượng vũ công trong bảo tàng Chăm Đà NẵngSở Du Lịch Quảng Bình
Các hiện vật với chủ đề về những vị thần Ấn độ giáo và Phật giáo, các biểu tượng phồn thực, những con vật linh, các loại hình trang trí kiến trúc... đã phản ánh những đặc trưng trong đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của cư dân Chăm Pa qua nhiều thế kỷ.
Phòng trưng bày Trà Kiệu - Di tích từ cái nôi của nền văn hóa Chăm Pa
Đối chiếu những phát hiện khảo cổ với ghi chép trong tài liệu địa chí xưa, một số nhà nghiên cứu xác định Trà Kiệu từng là kinh đô của vương quốc Chăm Pa, tương ứng với tên gọi Simhapura được nhắc đến trong một vài văn bia Chăm.
Phòng trưng bày Mỹ Sơn - Di tích từ thánh địa Chăm Pa
Mỹ Sơn từng là một trung tâm tín ngưỡng quan trọng của vương quốc Chăm Pa, thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam ngày nay, cách di tích Trà Kiệu – một trong những kinh đô của Chăm Pa trước đây – khoảng 30km về phía tây. Trong không gian thâm nghiêm của một thung lũng bao bọc bởi những ngọn núi nhỏ, tại đây có trên 70 ngôi tháp, phần lớn được xây dựng để thờ thần Shiva.
Phòng trưng bày Đồng Dương - Di tích từ trung tâm Phật Giáo của Chăm Pa
Đồng Dương là một trung tâm Phật giáo của Chăm Pa, nằm ở vùng đồng bằng, cách thung lũng Mỹ Sơn khoảng 20km về phía nam. Các tác phẩm điêu khắc Phật giáo tại Đồng Dương cho thấy sự phát triển của Phật giáo Đại thừa tại Chăm Pa. Mặc dù có một số nét ảnh hưởng từ Trung Hoa, Ấn Độ và các nước lân cận, kiến trúc và điêu khắc Đồng Dương mang đậm yếu tố bản địa, đã tạo nên một phong cách độc đáo, giàu ấn tượng trong nghệ thuật Chăm.
Phòng trưng bày Tháp Mẫm - Hào quang cuối cùng của nghệ thuật Chăm Pa
Tháp Mẫm là tên gọi một di tích Chăm hiện không còn nhiều vết tích đền tháp, nằm ở xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Một cuộc khai quật quy mô lớn đã được tiến hành tại vị trí này vào năm 1934. Khối lượng hiện vật thu thập được lên đến 58 tấn, bao gồm những tượng kích thước lớn và nhiều bộ phận trang trí kiến trúc bằng đá. Phong cách nghệ thuật của các hiện vật thu thập từ di tích Tháp Mẫm có nét chung ở tính phức tạp, tỉ mỉ, nhưng rơi vào khuôn mẫu, thiếu vẻ mềm mại, linh hoạt. Danh xưng “Tháp Mẫm” sau đó đã được dùng để đặt tên cho một phong cách nghệ thuật Chăm có cùng đặc trưng với nhóm hiện vật này. Sau giai đoạn Tháp Mẫm, nghệ thuật điêu khắc Chăm từng bước suy thoái dần.
Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng
http://chammuseum.vn/