By Bát Tràng Museum
Sản xuất bởi Bát Tràng Museum
Minh hoạ bản đồ Bát Tràng (2022) by Bát Tràng Museum and Lai HieuBát Tràng Museum
Giới thiệu
Bát Tràng, làng cổ 700 năm tuổi nằm ở tả ngạn sông Hồng cách trung tâm thủ đô hơn 12km, tồn tại và phát triển gắn với Thăng Long - Hà Nội, là một địa điểm văn hóa - lịch sử quan trọng đối với gốm sứ nước nhà.
Tác phẩm phục chế lại chân đèn và lư hương đời nhà Mạc của Cố Nghệ nhân nhân dân Vũ Thắng.
Làng gốm có 23 nhà cổ, 16 nhà thờ họ là nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống của Bát Tràng xưa. Từ năm 2019, Bát Tràng được công nhận là điểm đến trọng tâm của du lịch Thành phố.
Lò bầu nung gốm nay không còn sử dụng (2) (2017) by LTQBát Tràng Museum
Người Bát Tràng
Khác với các làng nghề truyền thống ở Bắc Bộ, Bát Tràng không sản xuất nông nghiệp. Với người Bát Tràng, từ lâu nay, họ chỉ "độc canh" một nghề duy nhất và có mối quan hệ gắn bó không thể tách rời với nó - nghề làm gốm.
Kỹ thuật làm gốm: Vuốt tay (3) (2017) by LTQBát Tràng Museum
Người Bát Tràng
Bát Tràng có khoảng 850 hộ gia đình và 3700 nhân khẩu, hầu hết các hộ gia đình đều tham gia vào quá trình sản xuất hoặc thực hiện các hoạt động kinh doanh, dịch vụ liên quan đến gốm (theo số liệu đến năm 2023).
8 Nghệ nhân ưu tú, 27 Nghệ nhân Hà Nội, 5 Nghệ nhân dân gian và trên 100 Nghệ nhân Làng nghề được Nhà nước và Thành phố trao tặng danh hiệu vì những đóng góp cho nghề thủ công Việt Nam. Đặc biệt, Cố Nghệ nhân nhân dân Vũ Thắng và Nghệ nhân nhân dân Trần Độ là hai trong số ít nghệ nhân cấp quốc gia trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ được nhà nước truy tặng và phong tặng danh hiệu này trong 10 năm trở lại đây.
Gốm Bát Tràng
Trải qua thăng trầm, song với lòng yêu nghề và tình yêu mảnh đất quê hương, nghề gốm ở Bát Tràng vẫn luôn được dân làng duy trì và phát triển. Mỗi khi nhắc về gốm, người dân Bát Tràng có câu cửa miệng: “nhất xương, nhì da, thứ ba dạc lò” (chất đất, lớp men, kinh nghiệm cầm lửa).
Nghệ nhân Bát Tràng sử dụng loại đất sét và đất cao lanh, kết hợp bí quyết pha chế đất, tạo hình, nung gốm và tráng men qua nhiều thế hệ, tạo nên sản phẩm gốm bền đẹp, màu sắc tinh tế và hoa văn tinh xảo. (Ảnh ở trên) Kỹ thuật khắc hoạ tiết, công đoạn tạo hình và chỉnh sửa sản phẩm trong quá trình làm gốm.
Lò bầu là một trong những loại lò nung gốm truyền thống bằng củi của người dân Bát Tràng, có cấu trúc độc đáo gồm nhiều bầu xếp liền kề nhau như những vỏ sò úp. Trước đây, có khoảng 20 chiếc lò bầu được các hộ sản xuất lớn của làng làm ra và cho các xưởng nhỏ thuê nung gốm theo từng bầu. Ngày nay, chỉ còn lại duy nhất một chiếc lò cổ được bảo tồn và sử dụng như một địa điểm tham quan. Hầu hết các sản phẩm gốm Bát Tràng hiện đại đều được nung bằng lò điện hay lò gas.
Nghệ nhân Phùng Thị Thịnh tại xưởng gốm gia đình (2023) by Bát Tràng Museum and Lỗ Hữu Đức AnhBát Tràng Museum
Gốm Bát Tràng
Gốm được ví như một cơ thể sống, một vũ trụ thu nhỏ, trong đó có sự kết hợp hài hòa của Ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Để một sản phẩm gốm ra đời, người thợ gốm không chỉ cần đôi bàn tay khéo léo mà còn cần cả sự tỉ mỉ, kiên nhẫn và những kinh nghiệm qua năm tháng.
Tranh tứ quí đắp nổi (2003) by Vũ ThắngOriginal Source: Bát Tràng Museum
Gốm Bát Tràng
Sản phẩm gốm Bát Tràng đa dạng về chủng loại, từ gốm gia dụng, thờ cúng, xây dựng đến các sản phẩm mỹ thuật như tượng, lọ hoa, tranh gốm,... mang đậm dấu ấn văn hóa của làng nghề và thể hiện sự sáng tạo của các nghệ nhân.
Sự kết giao giữa phương pháp thủ công tinh xảo với sự sáng tạo nghệ thuật của người thợ đã tạo nên những sản phẩm gốm vượt qua thử thách của thời gian, vừa có giá trị sử dụng cũng như giá trị thẩm mỹ cao, thể hiện sự phát triển kinh tế, trình độ dân trí và đặc điểm văn hóa của dân tộc.
Chợ gốm Bát Tràng 01 (2024) by Bát Tràng Museum and Vũ Khánh TùngBát Tràng Museum
Chợ gốm Bát Tràng
Được thành lập năm 2004, chợ gốm là nơi tập trung sản phẩm gốm từ các hộ gia đình trong làng. Tại đây buôn bán và trưng bày các mặt hàng gốm đa dạng về chủng loại như gốm gia dụng, gốm thờ cúng, gốm mỹ thuật, gốm xây dựng...
Địa hình ven sông của Bát Tràng thuận tiện cho việc giao thương gốm và phát triển du lịch. Cùng với tiêu dùng nội địa, gốm Bát Tràng đã trở thành hàng hóa xuất khẩu tới các châu lục khác nhau trên thế giới và ngày càng được đánh giá cao trên trường quốc tế. Bát Tràng là địa điểm ưa thích của khách du lịch trong và ngoài nước với 5 vạn lượt du khách đến tham quan, mua sắm hàng gốm sứ hàng năm.
Đình làng Bát Tràng (nhìn từ trong đình) (2024) by Bát Tràng Museum and Vũ Khánh TùngBát Tràng Museum
Công trình văn hóa
Bên cạnh nghề gốm cổ truyển, làng Bát Tràng có nhiều di tích văn hóa. Trong đó Đình làng, Chùa, Văn chỉ... là những công trình kiến trúc tiêu biểu của làng được Nhà nước công nhận là di sản văn hóa.
Đình - không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng hơn 300 năm tuổi bị phá hủy do chiến tranh đã được dân làng phục dựng nguyên hoàn thành năm 2006; Văn chỉ làng - biểu tượng của truyền thống hiếu học, dựng thờ các bậc Thánh hiền và Tiến sĩ đỗ đạt xưa.
Bảo tàng nghệ thuật Hồn Đất Việt Bát Tràng (còn được gọi là Bát Tràng Museum) được sáng lập bởi Cố Nghệ nhân nhân dân Vũ Thắng từ 2016 là bảo tàng ngoài công lập đầu tiên tại Bát Tràng được UBND thành phố Hà Nội cấp phép. Bảo tàng trưng bày hàng ngàn hiện vật gốm sứ có giá trị lịch sử và nghệ thuật, từ các sản phẩm gốm cổ đến các tác phẩm gốm hiện đại được cố nghệ nhân sưu tầm và sáng tạo.
Dụng cụ làm gốm (2023) by Bát Tràng Museum and Lỗ Hữu Đức AnhBát Tràng Museum
Sản xuất: Bát Tràng Museum - Bài: Hà Tuấn Minh - Hình ảnh: Lâm Trúc Quỳnh (LTQ), Lê Lai, Vũ Khánh Tùng, Lỗ Hữu Đức Anh - Minh hoạ: Lại Hiếu, Bản dịch tiếng Anh: Tống Mạnh.
Thông tin trong bài được sự hỗ trợ từ ông Phạm Văn Mai - Phó ban đại diện làng Bát Tràng và ông Phạm Huy Khôi - Chủ tịch xã Bát Tràng.