Dấu ấn một vương triều

Cố đô Huế ngày nay vẫn còn lưu giữ trong lòng những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể chứa đựng nhiều giá trị biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc Việt Nam.

By Sở Du Lịch Quảng Bình

Thua Thien Hue Province Department of Tourism

Kỳ đài Kinh thành Huế phía trước Ngọ MônSở Du Lịch Quảng Bình

Kinh Thành

Nằm giữa lòng Huế, bên bờ Bắc của con sông Hương dùng dằng chảy xuyên qua từ Tây sang Đông là Kinh thành Huế, Hoàng thành Huế, Tử cấm thành Huế, ba tòa thành lồng vào nhau được bố trí đăng đối trên một trục dọc xuyên suốt từ mặt Nam ra mặt Bắc. Tòa thành ở cố đô Huế được gọi là Kinh thành Huế, là một quần thể di tích kiến trúc và thắng cảnh vĩ đại, được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới. Đây là điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi ghé thăm xứ Huế.

Ngọ Môn - Cổng chính của Hoàng thành HuếSở Du Lịch Quảng Bình

Triều Nguyễn là triều đại cuối cùng trong lịch sử quân chủ chuyên chế của Việt Nam, tồn tại trong 143 năm (1802 - 1945) với 13 đời vua. Nhà Nguyễn được thành lập khi vua Gia Long (Nguyễn Ánh) lên ngôi năm 1802, kết thúc bằng sự thoái vị của Hoàng đế Bảo Đại năm 1945.

Chi tiết rồng trên mái lầu Ngũ PhụngSở Du Lịch Quảng Bình

Lầu Ngũ phụng là phần lầu đặt ở phía trên đài - cổng. Ngoài phần thân đài, lầu còn được tôn cao bởi một hệ thống nền cao 1,15 m cũng chạy suốt thân đài hình chữ U.

Rồng trên mái lầu Ngũ Phụng 2Sở Du Lịch Quảng Bình

Kinh thành Huế là công trình kiến trúc đặc sắc của vương triều nhà Nguyễn, bắt đầu xây dựng vào năm 1804 vào đời vua Gia Long. Kinh thành là công trình có quy mô và đồ sộ nhất trong lịch sử Việt Nam thời cận đại, được xây dựng và hoàn thiện ròng rã trong 29 năm. Đến năm 1833 vào đời vua Minh Mạng, Kinh Thành mới hoàn chỉnh toàn bộ hệ thống cung điện với khoảng 147 công trình. Kinh Thành có mặt bằng gần vuông, mỗi bề khoảng 600 mét, với chu vi gần 10km, cao 6,6m, dày 21m, xung quanh có các hào và pháo đài bảo vệ.

Ngọ Môn về đêmSở Du Lịch Quảng Bình

Ngọ Môn có bình diện hình chữ U vuông góc, đáy dài 57,77 m, cạnh bên dài 27,6 m. Đài được xây bằng gạch đá kết hợp với các thanh dầm chịu lực bằng đồng thau. Đài cao gần 5 m, diện tích chiếm đất hơn 1560 m² (kể cả phần trong lòng chữ U). Thân đài trổ 5 lối đi. Lối chính giữa là Ngọ Môn, chỉ dành cho vua đi. Hai lối bên là Tả Giáp Môn và Hữu Giáp Môn, dành cho quan văn, võ theo cùng trong đoàn Ngự đạo. Hai lối đi bên ngoài cùng nằm ở hai cánh chữ U là Tả Dịch Môn và Hữu Dịch Môn, dành cho binh lính và voi ngựa theo hầu. Hai cổng vòm nhỏ bên hông dành cho dân thường và các đối tượng khác.

Một trong 13 cửa vào Kinh thành HuếSở Du Lịch Quảng Bình

Kinh Thành Huế có 13 cửa: Thể Nhân Môn (Cửa Ngăn), Cửa Quảng Đức (Cửa Sập),Chánh Nam Môn (Cửa Nhà Đồ), Đông Nam Môn (Cửa Thượng Tứ), Tây Nam Môn (Cửa Hữu), Chánh Tây Môn, Chánh Đông Môn (Cửa Đông Ba), Tây Bắc Môn (Cửa An Hoà), Đông Bắc Môn (Cửa kẻ Trài), Chánh Bắc Môn (Cửa Hậu), Trấn Bình Môn, Tây Thành Thuỷ Quan, Đông Thành Thuỷ Quan.

Thể Nhân Môn (Cửa Ngăn) - một trong 13 cửa vào Kinh thành HuếSở Du Lịch Quảng Bình

Thể Nhân Môn có tên thường gọi là cửa Ngăn, nằm phía Nam, bên trái Kỳ Đài của Kinh Thành, lưu thông một chiều từ đường 23/8 ra đường Lê Duẩn. Phần vòm cửa được xây dựng năm 1809 dưới thời vua Gia Long, vọng lâu bên trên được xây dựng vào năm 1829 dưới thời vua Minh Mạng. Lúc đầu có tên là Thể Nguyên, sau khi xây vọng lâu thì cải thành Thể Nhân.

Hoàng Thành Huế từ góc nhìn trên caoSở Du Lịch Quảng Bình

Hoàng Thành

Hoàng Thành là vòng thành thứ hai, nằm trong Kinh Thành Huế, thành có chức năng bảo vệ các cung điện quan trọng nhất là Điện Thái Hoà (nơi vua thiết triều), Tử Cấm Thành (nơi vua và hoàng gia sinh hoạt), và các miếu thờ tổ tiên nhà Nguyễn. Hoàng Thành có 4 cửa chính để ra vào: Cửa chính (phía Nam) là Ngọ Môn, phía Đông có cửa Hiển Nhơn, phía Tây có cửa Chương Đức, phía Bắc có cửa Hòa Bình. Hệ thống các công trình của Hoàng Thành được quy hoạch trên một trục đối xứng với trục giữa là các công trình quan trọng nhất. Các công trình ở hai bên được bố trí chặt chẽ theo từng khu vực tuân thủ các nguyên tắc: "tả nam hữu nữ" (trái nam phải nữ), "tả văn hữu võ" (trái văn phải võ), ưu tiên tính từ trong ra ngoài.

Các cầu và hồ được đào chung quanh phía ngoài thành đều có tên Kim Thủy.

Hệ thống mái được lợp bằng một loại ngói đặc biệt hình ống tráng men thường gọi là ngói Thanh lưu ly (nếu có màu xanh) hoặc ngói Hoàng lưu ly (nếu có màu vàng). Ngói Hoàng Lưu Ly thường được dùng cho các công trình dành riêng cho hoàng đế, còn ngói Thanh Lưu Ly được dùng cho những công trình khác dành cho hoàng thất hoặc quan lại.

Ngoại thất các cung điện trong Hoàng Thành được thiết kế và xây dựng theo kiểu "trùng lương trùng thiềm" (kiểu nhà kép hai mái trên một nền). Các cung điện đều được đặt trên nền đá cao, vỉa ốp đá Thanh (Thanh Hoá), nền lát gạch Bát Tràng có tráng men xanh hoặc vàng.

Điện Thái HoàSở Du Lịch Quảng Bình

Điện Thái Hòa

Điện Thái Hoà là nơi đặt ngai vàng, biểu tượng quyền lực của các triều đại phong kiến. Điện là nơi nhà vua thiết đại triều mỗi tháng 2 lần vào ngày 1 và 15 âm lịch. Đây cũng là nơi tổ chức các nghi lễ quan trọng của triều đình cả về đối nội và đối ngoại. Vào những dịp yết triều, vua ngồi uy nghiêm trên ngai vàng. Các quan văn võ có mặt đông đủ và đứng xếp hàng theo cấp bậc và thứ hạng chầu ở sân Đại Triều Nghi, hướng về phía ngai vàng trong Điện Thái Hoà. Chỉ các quan Tứ trụ và những hoàng thân quốc thích của nhà vua mới được phép vào chầu ở trong điện.

Góc nhìn chính diện sân Đại Triều Nghi và Điện Thái HoàSở Du Lịch Quảng Bình

Điện Thái Hoà có diện tích mặt bằng 1.360 m2. Nền điện cao hơn tầng sân chầu Đại Triều Nghi thứ nhất 1 m và cao hơn mặt đất 2,35 m. Cũng như hầu hết cung điện hoàng gia nhà Nguyễn, điện Thái Hoà được xây theo lối “trùng thiềm điệp ốc” (kiểu kiến trúc truyền thống nhà kép hai mái trên một nền).

Mái Điện Thái HoàSở Du Lịch Quảng Bình

Mái Điện Thái Hoà lợp ngói ống hoàng lưu ly, phía trên có trang trí long chầu nguyệt

Góc nhìn chính diện Điện Thái HoàSở Du Lịch Quảng Bình

Mái điện chia làm ba tầng chồng lên nhau theo thứ tự từ cao xuống thấp, được lợp ngói hoàng lưu ly màu vàng, trên mái được đắp nổi 9 con rồng ở các tư thế khác nhau.

Sân Đại Triều Nghi (sân chầu) và Điện Thái HoàSở Du Lịch Quảng Bình

Sân Đại Triều Nghi khoảng sân rộng trước Điện Thái Hòa nơi các quan đứng chầu trong các buổi đại thiết triều của triều đình nhà Nguyễn.

Cửa vào sân chầu Đại Triều NghiSở Du Lịch Quảng Bình

Sân Đại Triều Nghi không có quá nhiều giá trị kiến trúc. Tuy nhiên, xét về vai trò lịch sử, nơi đây đã chứng kiến sự thịnh vượng và suy tàn của 13 vị hoàng đế triều Nguyễn. Ngày nay, sân Đại Triều Nghi trở thành sân khấu ngoài trời để biểu diễn Nhã Nhạc, cũng là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa của Thành cổ Huế.

Trụ đá phẩm trật của các quan tại sân chầu Đại Triều NghiSở Du Lịch Quảng Bình

Sân Đại Triều Nghi lát đá Thanh (đá ở Thanh Hóa), chia làm 2 cấp. Trên dành cho quan văn, quan võ, ấn phẩm từ hàng Tam phẩm trở lên Chánh nhất phẩm. Cấp dưới dành cho những quan còn lại. Hai bên sân có hai hàng trụ đá đề rõ phẩm trật quy định vị trí cho các quan theo thứ tự gọi là Phẩm Sơn.

Góc nhìn chính diện Điện Thái HoàSở Du Lịch Quảng Bình

Diện tích mặt bằng ngôi điện là 1.360 m2. Nền điện cao hơn tầng sân chầu thứ nhất 1 mét và cao hơn mặt đất 2,35 mét. Ngôi nhà chính ở phía sau là chính điện (hay chính doanh) có 5 gian hai chái, ngôi nhà phía trước gọi là tiền điện (hay tiền doanh) có bảy gian hai chái. Hai nhà trước và sau được nối lại với nhau bằng một mái thừa lưu hay còn gọi là mái vỏ cua.

Trang trí long vân trên cột đình Điện Thái HoàSở Du Lịch Quảng Bình

Hệ thống điện được chống đỡ bằng 80 cột gỗ lim sơn thếp và trang trí hình rồng vờn mây - một biểu tượng về sự gặp gỡ giữa hoàng đế và quần thần.

Trang trí "Nhất thi, nhất hoạ" trong cung điệnSở Du Lịch Quảng Bình

Giữa hai tầng mái trên là dải cổ diêm chạy quanh bốn mặt của tòa nhà. Dải cổ diêm được phân khoảng ra thành từng ô hộc để trang trí hình vẽ và thơ văn (197 bài thơ) trên những tấm pháp lam theo lối nhất thi nhất họa.

Trang trí "nhất thi, nhất hoạ" trong cung điện 2Sở Du Lịch Quảng Bình

Trang trí "nhất thi, nhất hoạ" với rất nhiều thơ chữ Hán và các ô họa chạm khắc theo các đề tài bát bửu, tứ thời… trở thành một lề lối phép tắc quy chuẩn của kinh thành triều đình nhà Nguyễn.

Biển sơn son thếp vàng với ba chữ “Thái Hòa Điện”Sở Du Lịch Quảng Bình

Hệ thống vì kèo nóc nhà sau tương đối đơn giản, chỉ làm theo kiểu "vì kèo cánh ác", nhưng hệ thống vì kèo nóc nhà trước thì thuộc loại vì kèo "chồng rường - giả thủ" được cấu trúc tinh xảo.

Hiển Lâm CácSở Du Lịch Quảng Bình

Hiển Lâm Các

Hiển Lâm Cac được quy hoạch trong khu vực các miếu thờ nhà Nguyễn của Hoàng Thành Huế, Hiển Lâm Các được xây dựng vào thời vua Minh Mạng, cùng thời gian với Thế Miếu. Công trình được khởi công vào năm 1821 và khánh thành một năm sau đó. Hiển Lâm Các có diện tích mặt bằng 300 m² cùng chiều cao 17 m, là công trình kiến trúc cao nhất trong Hoàng Thành.

Cổng Hiển Lâm CácSở Du Lịch Quảng Bình

Hiển Lâm Các được thiết kế bằng gỗ cao tầng, lát gạch Bát Tràng. Tường ngoài được xây bó bằng gạch vồ, sử dụng các mảnh sành đắp nổi để trang trí.

Hiển Lâm Các 2Sở Du Lịch Quảng Bình

Công trình này được xây dựng rất chắc chắn và vững chãi nhờ vào hệ thống 24 cột gỗ lớn. Ngoại trừ tường bao và nền, đây là công trình được làm hoàn toàn bằng gỗ, với tất cả 12 mái, 4 cột gỗ lớn làm trụ chính chạy suốt chiều cao của công trình.

Nội thất Hiển Lâm CácSở Du Lịch Quảng Bình

Kiến trúc của Hiển Lâm các được chia làm 3 phần rõ rệt, gồm 3 tầng, với những bản điêu khắc đạt đến trình độ tinh xảo.

Cột kèo và giá gỗ trong Hiển Lâm CácSở Du Lịch Quảng Bình

Các cột, kèo của tầng một đều là các bản điêu khắc có in hình rồng, hoa, lá có giá trị rất cao về mặt kiến trúc. Các hệ thống kèo, liên ba, đố bản ở tầng này đều chạm nổi các mô típ hình rồng cách điệu hoá thành dây leo lá cuốn.

Diên Thọ chính điệnSở Du Lịch Quảng Bình

Cung Diên Thọ

Cung Diên Thọ là nơi ở của 8 vị Hoàng thái hậu (mẹ của vua) và 4 vị Thái hoàng thái hậu (bà của nhà vua) trong thời nhà Nguyễn (1802-1945). Được quy hoạch nằm ở phía Tây của Tử Cấm Thành Huế, phía Nam cung Trường Sanh và phía bắc điện Phụng Tiên, cung Diên Thọ ngày nay có diện tích rộng khoảng 17.500 m², là một trong các quần thể có quy mô lớn trong Kinh Thành Huế

Nội thất Diên Thọ chính điệnSở Du Lịch Quảng Bình

Cung có chiều dài 126,4m và chiều rộng 138,5m. Các công trình trong cung gồm có Diên Thọ chính điện, Thọ Ninh Điện, Tịnh Minh Lâu, Khương Ninh Các, và Trường Du Tạ.

Điện Thọ NinhSở Du Lịch Quảng Bình

Đầu năm 1803, vua Gia Long khởi công xây dựng cung điện với tên gọi ban đầu là Cung Trường Thọ làm nơi sinh sống riêng cho mẹ ông, Thái hậu Ý Tĩnh Khang. Hệ thống cung điện đã được sửa chữa, xây dựng, đại tu nhiều lần qua các đời vua nhà Nguyễn sau đó như Minh Mạng, Tự Đức, Thành Thái… Đến thời vua Khải Định (1916-1925), cung điện được đổi tên thành Cung Diên Thọ và giữ nguyên cho đến ngày nay.

Lầu Tịnh Minh thuộc cung Diên ThọSở Du Lịch Quảng Bình

Tịnh Minh Lâu được xây vào năm 1927 đời vua Bảo Đại, trên nền của Thông Minh đường - một trong số nhiều nhà hát tuồng được triều Nguyễn dựng trong Đại Nội.

Trường Du Tạ trong cung Diên ThọSở Du Lịch Quảng Bình

Tạ Trường Du, xây dựng năm 1849 là công trình bằng gỗ đặt trên một cái hồ hình chữ nhật, diện tích 530 m2. Đây là toà thủy tạ được dùng làm nơi hóng mát, tiêu giao cho các bà thái hậu.

Khương Ninh CácSở Du Lịch Quảng Bình

Ý Tĩnh Khang hoàng hậu Nguyễn Thị Hoàn (mẹ vua Gia Long) là chủ nhân đầu tiên và Từ Cung Đoan Huy hoàng thái hậu (thân mẫu vua Bảo Đại) là chủ nhân cuối cùng của Cung Diên Thọ.

Thế Tổ Miếu (Thế Miếu)Sở Du Lịch Quảng Bình

Quần thể kiến trúc của Kinh thành Huế đại diện cho quyền lực của triều đại nhà Nguyễn vẫn sừng sững trước sự biến động của dòng lịch sử.

Credits: Story

Hình ảnh: Trần Tuấn Việt

Credits: All media
The story featured may in some cases have been created by an independent third party and may not always represent the views of the institutions, listed below, who have supplied the content.
Explore more
Related theme
Wonders of Vietnam
From caves and dragons to fishing villages and floating houses
View theme
Home
Discover
Play
Nearby
Favorites